Triết học là gì? Khái niệm và nguồn gốc của triết học
Khái niệm triết học là gì?
Con người để tồn tại và phát triển cần phải được đáp ứng những nhu cầu thiết yếu như ăn, uống, ngủ, nghỉ ngơi... và để đáp ứng được những nhu cầu này, con người cần phải lao động, sản xuất vật chất. Lịch sử loài người là lịch sử lao động, sản xuất vật chất, là lịch sử con người thay đổi tự nhiên, xã hội và chính bản thân mình. Để những hoạt động này có hiệu quả thì con người cần phải nhận thức, hiểu biết về thế giới xung quanh chúng ta. Quá trình nhận thức này diễn ra rất dài và lịch sử đã ghi nhận quá trình nhận thức của con người diễn ra theo hai con đường.
Con đường thứ nhất xuất phát trực tiếp từ nhu cầu cuộc sống, con người nhận thức những sự vật, hiện tượng cụ thể, riêng lẻ, nhỏ hẹp, đây chính là con đường hình thành những khoa học cụ thể.
Ví dụ:
Toán học xuất phát từ nhu cầu cuộc sống như đếm, đo đạc...
Vật lý học xuất phát từ những quy luật vận động của nguyên tử, phân tử...
Hóa học xuất phát từ nhu cầu cuộc sống từ cấu tạo, tính chất, sự biến đổi của các chất...
Con đường thứ hai, nhu cầu nhận thức của con người không dừng lại ở việc nhận thức những vấn đề nhỏ hẹp, riêng lẻ, cụ thể, thông thường của thế giới mà nó vươn lên nhận thức ở tầm cao hơn, khái quát hơn, chung hơn. Nó đòi hỏi con người phải nhận thức thế giới trong tính chỉnh thể, thống nhất và toàn vẹn, để từ đó chỉ ra những quy luật ở tầm khái quát chi phối toàn bộ thế giới. Con đường nhận thức này thường bắt đầu bằng những câu hỏi:
Thế giới quanh ta là gì?
Thế giới này do ai tạo ra?
Thế giới này có hình thù như thế nào?
Con người là gì?
Ai tạo ra con người?
Con người có vị trí, vai trò gì ở thế giới này?
...
Trả lời những câu hỏi này sẽ hình thành ở con người những quan điểm, quan niệm nhất định về thế giới đó chính là thế giới quan.
Trong lịch sử nhân loại, đã xuất hiện những trình độ thế giới quan khác nhau: Thế giới quan thần thoại, thế giới quan tôn giáo và thế giới quan triết học.
Thế giới quan triết học dựa vào lý luận, tri thức của các ngành khoa học cụ thể, triết học diễn tả thế giới quan của con người dưới dạng một hệ thống các phạm trù, quy luật chung nhất. Cắt nghĩa về mặt lý luận các hiện tượng xung quanh tạo niềm tin và định hướng cho con người trong hoạt động triết học ra đời là hình thức phát triển cao của thế giới quan, là hạt nhân lý luận của thế giới quan và là khoa học của thế giới quan.
Nguồn gốc ra đời của triết học
Các tài liệu của lịch sử triết học đã chứng minh cả ở phương Đông và phương Tây, triết học đều bắt đầu xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 6 TCN. Như vậy, triết học không đồng thời xuất hiện cùng với sự xuất hiện của xã hội loài người mà nó chỉ xuất hiện khi hội tụ đầy đủ hai nguồn gốc điều kiện, đó là:
- Nguồn gốc nhận thức: Triết học ra đời khi con người đạt đến một trình độ nhận thức nhất định. Đó là trình độ trừu tượng hóa, khái quát hóa và hệ thống hóa từ các tri thức cụ thể của các khoa học khác để xây dựng nên các học thuyết, các lý luận.
- Nguồn gốc xã hội: Loài người đã và đang trải qua 5 hình thái xã hội khác nhau: Cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa. Người nguyên thủy trong xã hội nguyên thủy không có triết học, nếu có thì cũng chỉ đang ở dạng mầm mống và tồn tại dưới dạng tôn giáo và thần thoại, phản ánh năng lực của người nguyên thủy. Triết học chỉ ra đời vào khoảng từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 6 TCN, tương ứng với giai đoạn cuối của xã hội cộng sản nguyên thủy, đầu xã hội chiếm hữu nô lệ. Đây là giai đoạn xuất hiện công cụ bằng kim loại, dẫn đến năng suất lao động tăng, của cải dư thừa càng nhiều, những người có chức phận bắt đầu có tư tưởng chiếm đoạt và tư hữu xuất hiện, kéo theo đó là sự phân hóa giàu nghèo. Lúc này giai cấp hình thành, đồng thời lao động cũng phát triển đến mức phân chia thành lao động trí óc và lao động chân tay. Một bộ phận những người lao động trí óc có điều kiện chuyên tâm nghiên cứu, đọc sách mới có khả năng trừu tượng hóa, khái quát hóa, hệ thống hóa, xây dựng những quan điểm, quan niệm, những học thuyết triết học khác nhau để giải thích thế giới. Lúc này triết học xuất hiện như là nhu cầu tất yếu của giai cấp, với tư cách là vũ khí lý luận để giải thích và cải tạo thế giới, phù hợp với lợi ích giai cấp của mình. Trong xã hội có các giai cấp khác nhau sẽ xuất hiện các quan niệm triết học khác nhau. Và do đó, ngay từ đầu các học thuyết Triết học đã mang trong mình tính giai cấp rõ ràng.
Xem thêm:
Đối tượng nghiên cứu và các vấn đề cơ bản của triết học là gì?
Nhận xét
Đăng nhận xét